Image thumbnail

Blog

Đây là lý do vì sao bạn nên bắt đầu ăn một quả chuối mỗi ngày

Đây là lý do vì sao bạn nên bắt đầu ăn một quả chuối mỗi ngày

Bệnh tim mạch trong đó đột quỵ là bệnh lý phổ biến hiện nay ở Việt Nam và vô cùng nguy hiểm, thường xuất hiện âm thầm nhưng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng. Ngoài việc tập thể dục và ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống giàu hàm lượng chất kali có trong chuối và các loại thực phẩm khác chính là chìa khóa giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

 

Các loại thực phẩm chứa nhiều kali như chuối – loại thực phẩm vô cùng quen thuộc có thể ngăn chặn sự tắc nghẽn dẫn đến tử vong khi động mạch bị xơ cứng và thu hẹp.

 

Chuối cũng là một trong những nguồn thực phẩm giàu kali (có hơn 400mg kali trong một quả chuối chín cỡ trung bình) cùng các dưỡng chất khác như chất xơ, vitamin C, vitamin B6, magiê và mangan.

 

VAI TRÒ CỦA KALI ĐỐI VỚI SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Nhìn chung, chúng ta không nên cắt bỏ hoàn toàn lượng kali trong cơ thể vì nó là một chất dinh dưỡng thiết yếu giúp quản lý nhiều chức năng hoạt động của các cơ quan như:

  • duy trì huyết áp ổn định
  • cung cấp oxy lên não
  • giảm lượng cholesterol trong máu
  • hỗ trợ loại bỏ các chất thải trong cơ thể
  • thúc đẩy sự phát triển và duy trì sức khỏe của các tế bào
  • ổn định quá trình trao đổi chất

CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY NÓI NHƯ THẾ NÀO?

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Alabama, ăn chuối mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ. Các báo cáo nghiên cứu này nhằm mục đích xác định chất kali có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình lưu thông máu cũng như sức khỏe của động mạch, dựa trên thí nghiệm trên chuột bạch về các chế độ ăn có hàm lượng kali thấp, trung bình và cao.

 

Ở nhóm chuột bạch được áp dụng chế độ ăn ít kali có động mạch xơ cứng hơn nhiều so với các nhóm đồng loại khác. Mặc khác, nhóm chuột bạch được bổ sung hàm lượng kali cao lại cho thấy chúng ít bị xơ cứng ở động mạch hơn đáng kể cũng như giảm được độ xơ cứng ở động mạch chủ.

 

TẠI SAO CHÚNG TA CẦN KALI (POTASSIUM)?

Tiến sĩ Morton Tavel – một chuyên gia y học về tim mạch tại trường Đại học Y Indiana nói rằng: “Kali (potassium) là một khoáng chất cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể. Nó đóng một vai trò quan trọng việc giảm huyết áp”. Ông cũng cho biết thêm “Kali cũng cần thiết cho sự phát triển bình thường của các cơ, hệ thần kinh và các chức năng hoạt động của não. Ngoài việc làm giảm huyết áo, kali giúp bảo vệ các mạch máu tránh khỏi hư tổn cũng như hiện tượng dày và cứng lên của các thành động mạch”.

 

Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy chế độ ăn giàu hàm lượng kali giúp làm giảm huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim (theo bác sĩ tim mạch Ragavendra Baliga tại Wexner Medical Center, thuộc Đại học bang Ohio). Dựa trên một bài phân tích bao gồm nhiều dữ liệu từ 11 nghiên cứu và khảo sát ở 250,000 người được đăng trên tạp chí American College of Cardiology vào năm 2011, Tiến sĩ Baliga đã chỉ ra mối liên hệ giữa 1540mg kali trong chế độ ăn và sự giảm 21% nguy cơ đột quỵ.

 

Nghiên cứu của Đại học Alabama được xem là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy ảnh hưởng của khoáng chất đến sức khỏe của động mạch. Theo Michelle Routhenstein – một chuyên gia dinh dưỡng về phòng ngừa các bệnh tim mạch, bổ sung một lượng kali vừa đủ sẽ giúp duy trì một nhịp tim khỏe mạnh. Bà cũng nhấn mạnh rằng “Khi nồng độ kali thấp có thể gây rối loạn nhịp tim cũng như có khả năng làm giảm lưu lượng máu đến não, các cơ và nhiều cơ quan khác”.

 

Theo các chuyên gia, kali cũng cải thiện các chức năng của tim bằng cách điều chỉnh nhịp tim, tiêu hóa carbohydrate và xây dựng lại các cơ. Sự kết hợp của các hoạt động này có lợi cho cho các động mạch của con người, từ đó giúp ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ.

 

MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM GIÀU KALI KHÁC

Ali Webster – Phó Giám đốc của Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế cho biết rằng “Chắc chắn sẽ không có hại gì khi bạn ăn thực phẩm giàu kali thường xuyên, trừ khi bạn được bác sĩ yêu cầu phải theo dõi hàm lượng nạp vào cơ thể mỗi ngày”. Bà Routhenstein cho biết thêm là không phải chỉ cần ăn một số loại thực phẩm nhất định sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tim, mà bạn cần phải xem xét chế độ ăn uống của bản thân một cách toàn diện cũng như các yếu tố gây bệnh khác.

Đối với hầu hết mọi người, tiêu thụ các loại thực phẩm giàu kali như chuối, khoai lang, các loại đậu và rau có lá màu xanh đậm sẽ tạo nên một chế độ ăn uống lành mạnh và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, theo bà Webster.

 

Chuối nổi tiếng là thực phẩm chứa nhiều hàm lượng kali, bác sĩ Baliga thường khuyến khích các bệnh nhân của ông ấy nên kết hợp ăn nhiều bông cải xanh, rau bina, cà rốt, súp lơ và nhiều loại rau khác.

 

CUNG CẤP MỘT LƯỢNG KALI VỪA ĐỦ CHO CƠ THỂ

Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh thận mãn tính cần hạn chế lượng kali tiêu thụ vì chức năng thận không thể hoạt động một cách bình thường, dẫn đến chúng bị tích tụ trong máu.

 

Bên cạnh đó, nồng độ kali quá cao có thể gây ra các triệu chứng đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy; nghiêm trọng hơn là nhịp tim không đều và hiện tượng bị chuột rút ở các cơ.

 

Tùy vào từng trường hợp riêng của mỗi người mà chế độ ăn uống của chúng ta nên tiêu thụ loại thực phẩm giàu kali (khoai lang, bơ, thức anh nhanh, chuối, dưa lưới, cà chua, …) hay loại thực phẩm ít kali (táo, nho, dứa, dưa hấu, cà rốt, bông cải, bắp cải, dưa leo, …) nhằm quản lý nồng độ kali hiệu quả hơn.

 

 

Theo Healthline, Medical News Today & Reader’s Digest

Post a Comment