Trung Thu các nước châu Á: nét đẹp truyền thống mang hơi thở thời đại
Ngoài Việt Nam, các nước châu Á khác cũng tổ chức tết Trung Thu theo những cách riêng rất thú vị.
Trung Thu còn được gọi là Tết Đoàn Viên, là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất tại nhiều quốc gia Châu Á. Mỗi năm, vào đêm rằm tháng Tám âm lịch, người dân ở các nước châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đều kỷ niệm lễ hội này theo cách riêng của mình. Trung Thu không chỉ là dịp để tổ chức các hoạt động vui chơi, kết nối gia đình, mà còn là dịp để thưởng thức những món ăn đặc trưng. Hãy cùng tìm hiểu về truyền thống Trung Thu độc đáo của mỗi quốc gia trong khu vực nhé!
Việt Nam:
Ở Việt Nam, Trung Thu được xem là lễ hội gia đình và trẻ em quan trọng nhất trong năm. Tại địa phương, các phường, xã thường tổ chức các hoạt động tập thể như làm đèn ông sao, trình diễn múa lân/ múa sư tử, chơi những trò chơi truyền thống, cùng nhau trang trí mâm cỗ Trung Thu và phá cỗ đêm trăng. Trong gia đình, mọi người sẽ quây quần sau bữa cơm và cùng ăn bánh Trung Thu. Bánh Trung Thu Việt Nam có nhiều hương vị khác nhưng chủ yếu là 2 loại: bánh dẻo và bánh nướng với nhân chay hoặc mặn. Loại bánh truyền thống này có vị khá ngọt nên thường được thưởng thức chung với trà xanh. Trong thời buổi 4.0, con người bị cuốn vào guồng quay cuộc sống, người trẻ phải rời xa gia đình tới các thành phố làm việc và thường không thể về nhà vào dịp Đoàn viên, họ chọn cách “đoàn viên online” qua các ứng dụng gọi video. Họ cũng thể hiện tình cảm của mình theo cách riêng bằng những món quà được gửi trực tiếp tới tay cha mẹ, bạn bè.
Nhật Bản:
Ở Nhật Bản, lễ hội Trung Thu được gọi là Tsukimi, có ý nghĩa là “trông trăng” và là dịp để cảm tạ một vụ mùa bội thu. Người Nhật thường cúng tặng thức ăn cho các vị thần và thưởng thức bánh Trung Thu gọi là “tsukimi dango”. Bánh này được làm từ bột nếp và có ba viên nhỏ chồng lên nhau trên một cây tre. Mỗi viên bánh tượng trưng cho một loại trăng khác nhau. Tsukimi dango có hương vị đặc trưng và được thưởng thức trong không gian yên tĩnh và thư thái, mang đến cảm giác hòa mình với thiên nhiên và trăng rằm. Bên cạnh đó, người Nhật cũng thưởng thức các loại trái cây theo mùa vào dịp Trung Thu như: quả hồng, quả lê, dưa lưới.
Hàn Quốc:
Trong văn hóa Hàn Quốc, Trung Thu được gọi là Chuseok. Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất tại Hàn Quốc, mọi người trong gia đình mặc trang phục truyền thống, tham gia các nghi lễ cúng tế và thưởng thức các món ăn ngon. Trong ngày Chuseok, người dân Hàn Quốc thường làm bánh Trung Thu gọi là “songpyeon”. Songpyeon có hình dáng tròn và được làm từ bột gạo nếp. Nhân bánh thường là đậu đỏ, đỗ xanh hoặc hạt mè. Bánh được đun trong nồi hấp trên lửa than hoặc lửa cỏ khô, mang đến hương vị đặc trưng và hấp dẫn. Bên cạnh bánh songpyeon, người Hàn Quốc còn thưởng thức các món ăn truyền thống vào ngày Trung Thu như: các loại bánh xèo, miến trộn, sườn hầm và canh củ cải. Trong xã hội hiện đại, số lượng người mặc đồ truyền thống vào lễ Chuseok đã không còn nhiều nữa do có nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Nhiều gia đình Hàn Quốc cũng lựa chọn đi du lịch vào dịp này thay vì tổ chức nghi lễ truyền thống vì đây là kỳ nghỉ lễ dài thứ 2 trong năm. Họ cho rằng đây nên là thời gian để nghỉ ngơi cùng gia đình thay vì phải bận bịu với mâm cỗ.
Trung Quốc:
Vào dịp Trung Thu, người dân Trung Quốc tổ chức các hoạt động như đốt đèn lồng, trình diễn múa rồng, múa lân và thưởng thức bánh Trung Thu gọi là yuebing. Bánh có hình dáng tròn, bên ngoài là vỏ bánh mỏng và mịn, bên trong là nhân có thể là nhân đậu xanh, trứng muối, hạt sen, hạt lựu, hoặc thịt lợn. Bánh yuebing với phần nhân phong phú thường có hàm lượng calo cao, vì vậy giới trẻ Trung Quốc thường truyền tai nhau những cách ăn bánh Trung Thu sao cho không béo, ưu tiên các sản phẩm bánh ít calo hoặc ăn các món truyền thống khác dịp Trung Thu như: trái cây, bí đỏ và các loại hạt tốt cho sức khỏe. Bên cạnh nhũng lựa chọn truyền thống, người trẻ cũng thường tụ họp bạn bè ăn đồ nướng, lẩu vào dịp này. Nhiều người không thể về thăm gia đình cũng lựa chọn một cách chúc mừng thiết thực, đó là chuyển khoản trực tuyến cho cha mẹ và bạn bè.
Đông Nam Á:
Các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore cũng có truyền thống Trung Thu riêng. Mỗi quốc gia có cách tổ chức và những món ăn đặc trưng khác nhau. Ví dụ, ở Thái Lan, người dân thường tổ chức lễ hội trang trí đèn lồng và thưởng thức bánh Trung Thu gọi là “khanom thuay”. Khanom thuay là một loại bánh ngọt được làm từ bột gạo và có nhân làm từ nước cốt dừa. Tại Singapore, người dân cũng tham gia nhiều lễ hội chủ đề Trung Thu, tụ họp gia đình và bạn bè để làm đèn lồng cũng như thưởng thức nhiều loại bánh Trung Thu đặc sắc.
Có thể thấy, dù ở quốc gia nào, Trung Thu cũng là dịp để kết nối, chia sẻ, các phong tục truyền thống được đơn giản hóa và làm mới để phù hợp với lối sống hiện đại. Các thành viên trong gia đình cũng tạm gác lại những bộn bề cuộc sống bên ngoài, cùng nhau sum vầy, ăn miếng bánh, uống tách trà và dành thời gian tâm sự, thu hẹp khoảng cách thế hệ. Mọi người nhân cơ hội này tặng quà, hỏi thăm những người bạn, những người quen lâu ngày không gặp, người thân ở xa.
DANNYGREEN